Tôi xin cảm ơn tất cả những tấm lòng và sự giúp đỡ quý báu của các bạn đã dành cho tôi trong suốt những năm qua, và nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn đôi lời về tu viện.
Tây Tạng vốn được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Đó là một vùng đất bao la tuyệt đẹp với núi đồi chập chùng, nguồn nước tinh khiết, không khí trong lành, trời cao trong xanh lãng đãng những làn mây trắng. Đó là một vùng đất nơi Phật giáo rất hưng thịnh, nơi ta có thể bắt gặp những người Phật tử ở bất kỳ đâu và số lượng tu viện thì nở rộ như hoa mùa hè. Song đó cũng là một vùng đất nghèo nàn và kém phát triển, giao thông đi lại rất khó khăn, khí hậu thay đổi thất thường và phải hứng chịu những cơn gió lạnh thấu xương.
Golog
Golog là một vùng đất tuyệt vời, là một trong sáu huyện của tỉnh Thanh Hải, nằm ở phía nam hồ Thanh Hải nổi tiếng rộng lớn hay còn gọi là hồ Kokonor. Golog trải rộng trên một diện tích 77 000 cây số vuông với dân số khoảng 160 000 người, trong đó có hơn 150 000 là người Tạng. Golog gồm sáu quận và thị trấn Dawu là trung tâm văn hóa chính trị và kinh tế của cả vùng.
Dãy núi thiêng Amnye Machen cao tới 6 282 mét (20 605 feet). Đến Golog, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại núi như : núi tuyết, núi đá, rừng, những ngọn núi phủ đầy cỏ, và những thảo nguyên mênh mông ngập tràn hoa cỏ. Nơi đây cũng là khởi nguồn của con sông Hoàng Hà nổi tiếng phả những hơi thở đầu tiên qua vùng Golog. Ngoài ra trong vùng còn vô số sông hồ lớn nhỏ khác. Môi trường thiên nhiên ở đây cũng là nơi cư ngụ của các loài thú chuyên sống ở độ cao như : sư tử tuyết, báo tuyết, trâu Yak, lừa hoang Tây Tạng, linh dương Tạng, và các đàn hươu duyên dáng. Cuộc sống của dân du mục trong vùng chủ yếu trông cậy vào đàn trâu Yak và cừu của họ.
Tu viện
Tu viện của tôi được thành lập vào những thập niên 1820 bởi Tổ Do Khyentse Yeshe Dorje (1800-1866), một bậc Thầy vĩ đại của thế kỷ 19 và là hóa thân của Tổ Rigdzin Jigme Lingpa (1729-1798). Ban đầu, tu viện chỉ là một cái lều du mục được dựng bằng những tấm lông trâu Yak và không trụ ở một điểm cụ thể mà di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Tu viện đã hết sức gian nan mới sống sót qua được thời kỳ xâm lược của đội quân Hồi giáo và Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Các đời Đạo sư nối tiếp nhau với lòng dũng cảm vô song và trải bao gian truân để duy trì tu viện cũng như gìn giữ lưu truyền dòng truyền thừa. Đặc biệt vị sư trụ trì đời thứ 9, Ngài Pema Tumdrak Dorje (1934-2009), hay được biết đến với tên gọi thân thương là Lama Sang, là người đã có công gìn giữ và bảo vệ dòng Pháp truyền thừa của Tu viện. Năm 1980, Lama Sang đã cho khởi xây tu viện hiện nay và trở thành tu viện có đăng ký chính thức được công nhận bởi chính quyền Trung Quốc.
Lama Sang
Để đáp ứng những mong ước và nhu cầu của nhiều người, Lama Sang đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn khi xây dựng nên tu viện này. Cộng đồng tu sĩ ban đầu vỏn vẹn chừng 30 vị tăng đã dần mở rộng và phát triển lên đến 500 tăng cùng khoảng 100 hành giả du già (Yogis). Lama Sang đã cho xây bảo tháp Bodhanath của Xứ Tuyết, những phiên bản như Đền Samye, Đền Mahabodhi của Bồ Đề Đạo Tràng và nhiều công trình khác. Song, bởi bản chất của vạn vật là vô thường, cuối cùng Lama Sang cũng đã từ giã thế giới này để tái sinh vào cõi giới khác.
Tu Viện trưởng
Theo ước nguyện của Lama Sang, kể từ năm 2000, tôi bắt đầu đứng ra gánh vác nhiều công việc của tu viện. Sau khi Lama Sang viên tịch, dân chúng trong vùng đặt trọn niềm trông chờ nơi tôi để đáp ứng những nguyện vọng của họ. Với những đôi mắt thiết tha tràn đầy hy vọng, họ thành kính chắp tay thỉnh cầu. Tôi không còn lựa chọn nào khác là phải gách lấy trọng trách này trên đôi vai mình. Trở thành Tu viện trưởng là tham vọng của nhiều người và họ có thể sẵn sàng tranh giành để chiếm được ngôi vị ấy, song điều này đến với tôi như một trọng trách giao phó mà tôi phải nhận. Cũng không ít người nghiên cứu Kinh điển Phật pháp với ngầm ý để trở thành một bậc thầy vĩ đại, du hành từ thành phố nọ tới đất nước kia, xây dựng thật nhiều chùa chiền tu viện, và thu nạp được nhiều đệ tử. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian theo học Phật pháp, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là cầu tiến bộ trên con đường tu học của mình, ngoài ra trong tâm không có bất kỳ mục đích nào khác. Bởi vậy, tôi không thấy có lý do gì để ăn mừng khi bỗng nhiên mình trở thành người mang trọng trách với một tu viện lớn như vậy.
Nếu ai đó sắp trở thành tu viện trưởng thì phải nghiên cứu và tu học thật chuyên sâu. Có nhiều vị tu viện trưởng là các bậc đạo sư cao cấp với đầy đủ phẩm tính với kiến thức uyên thâm, nghiêm trì giới luật và bản tâm thanh tịnh. Song bên cạnh đó cũng không ít những vị sư trụ trì không chú tâm tu học, kiến thức nghèo nàn song cố giành vị trí ấy bằng nỗ lực kiên gan và quyền lực của cải vật chất.
Thủa gian khó
Về phần mình, tôi sinh ra trên thế gian này vào thời vô cùng gian khổ. Mãi đến năm lên chín tôi mới bắt đầu được học đọc và viết. Đó là thời kỳ ai ai cũng sống trong nỗi sợ hãi tột cùng, đến độ họ không dám nghiên cứu Phật pháp hay thực hành những nghi lễ Phật giáo. Thời điểm duy nhất chúng tôi có thể học bí mật là vào giữa đêm. Thời kỳ đó, ở Golog không có trường học, huống chi nói đến tu viện. Không thấy bóng dáng một vị tăng nào vận áo nhà sư.
Rồi cuối cùng khi việc thực hành Phật pháp được cho phép trở lại thì nhiều người tôi biết đã có thể mặc bộ y tu viện của họ và thể hiện cho thấy họ là tu sĩ. Các cộng đồng tu sĩ bỗng chốc xuất hiện như cỏ hoa trên thảo nguyên. Song lúc cần thiết họ mặc trở lại trang phục thường ngày. Tuy nhiên vẫn hiếm thấy có người đeo tràng hạt ở tay. Ngoài cái đầu được cạo nhẵn thì không có dấu hiệu nào khác cho thấy đó là một tu sĩ. Dẫu vậy, các vị Lama và cộng đồng tăng đoàn này đã gìn giữ giáo Pháp thanh tịnh ở trong tâm của họ và nhờ bởi lòng tốt của các vị mà chúng ta mới có thể nhận được trọn vẹn tinh túy giáo lý của Đức Phật.
Về phần mình, tôi không có những điều kiện tốt nhất cho việc học Pháp và các ngành kiến thức khác. Song tôi vẫn thầm nghĩ mình đã hết sức may mắn khi có được chút giáo dục và thiên hướng về Pháp khi so sánh với các vị Lama và tu sĩ khác, những người hoặc do gặp thời kỳ khó khăn hay thiếu thiên hướng về Pháp mà đã không thể học chút giáo Pháp nào.
Dòng Pháp của tôi theo truyền thống Cổ mật với các giáo lý của Trung quán tông, trí tuệ toàn thiện, các pháp sơ khởi, Tsalung, Đại viên mãn và nhiều giáo lý khác, và tôi cũng đã nhận lãnh đầy đủ những chỉ dạy ở tất cả các cấp phát triển và hoàn thiện của những giáo lý này. Ngoài ra, tôi cũng nghiên cứu nhãn quan và cách thực hành của các truyền thống khác như Gelugpa. Tôi đã có cảm giác mình như một người sáng mắt lại được trao một chiếc kính tầm xa để nhìn thấu mọi sự.
Hơn nữa, tôi lại có cơ hội làm quen với ngôn ngữ và văn hóa của các đất nước khác, điều đó đã cho tôi biết được quan niệm của các dân tộc khác về thế giới. Tôi đã quen biết với nhiều người trên thế giới và kết làm bạn thân với nhiều người. Dù trải qua thăng trầm trong cuộc sống, họ vẫn luôn là người bạn tốt.
Khát vọng từ kiếp trước
Chắc là trong kiếp trước tôi đã luôn cầu nguyện : “Con nguyện du hành khắp thế gian, đối xử với tất thảy mọi người bằng tình yêu thương và sự ân cần, nguyện làm lợi ích cho họ bằng những lời lẽ dịu dàng đem đến sự bình an". Bạn bè luôn thân ái và dịu dàng với tôi, còn tôi thì chẳng có gì dành tặng họ ngoài thông điệp về pháp tăng trưởng tâm an bình và lòng tử tế.
Tuổi thơ
Tôi sinh ra trong một gia đình du mục bình thường như bao gia đình khác quanh năm bốn mùa đi chăn thả gia súc, lấy thịt da của chúng, uống sữa của chúng và ăn sữa chua. Thời đó, trong môi trường sống như vậy, cái từ “giáo dục” hoàn toàn xa lạ. Công việc chăn thả gia súc cứ nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, không có truyền thống học hành hay bận tâm suy nghĩ gì đến việc khác.
Ở trong vùng, gia đình tôi thuộc loại lớn và cũng gọi là khá giả so với các gia đình khác. Cách mạng Văn hóa dấy lên đã nuốt chửng tất cả, chỉ để lại một số ít người và rơi rớt chút xíu của cải. Trong cái thời khó khăn ấy, mẹ tôi rơi vào cảnh túng quẫn vô cùng vì bà hầu như mất tất cả, bà vốn chưa hề tới trường cũng không biết lo kiếm tiền, bỗng chốc một nách phải lo chăm nuôi năm đứa con. Hồi nhỏ, tôi nhớ tất cả thức ăn chúng tôi có được là sữa chua vào mùa hè và bột tsampa vào mùa đông. Chúng tôi không biết tới bất kỳ loại thức ăn nào khác vì nó quá khan hiếm. Cái bụng chúng tôi luôn thèm thuồng hương vị của bánh mỳ và cơm, song nghĩ cho cùng chúng tôi đã quá may mắn dù chỉ có sữa chua và tsampa.
Mãi đến năm lên 11 hay 12 tuổi lần đầu tiên mắt tôi mới trông thấy cây bắp cải và cải chíp, miệng tôi lần đầu tiên mới được nếm thử. Cứ nghĩ tới những điều kiện sống mà tôi và đám bạn thủa thiếu thời của mình đã trải qua thì thật không thể tưởng nổi là sao chúng tôi còn sống sót và có thể hoàn tất những mục tiêu của đời mình.
Hồi nhỏ tôi không bao giờ được tới trường. Cha mẹ và người thân trong gia đình cũng không thể chăm sóc tôi với tình yêu thương và sự ân cần như họ mong muốn. Tôi lớn lên giữa cơn giông tố của sợ hãi và hiểm nguy. Song tôi cảm thấy rất tự hào về bản thân đã không để đánh mất sự an bình trong tâm và giờ đây có thể chu du khắp thế giới với tư cách một sứ giả của tâm an bình.
Hạnh nguyện Bồ tát
Không chỉ nhờ tấm lòng Cha đã dành cho tôi trong cuộc đời này, mà chính nhờ cả trách nhiệm Người đã giao phó mà tôi có được cơ hội to lớn làm lợi lạc cho người khác. Từ bé, tôi đã có những rung cảm mãnh liệt khi nghe kể về cuộc đời của các vị Bồ tát. Các vị ấy như món ăn quý giá và bổ dưỡng nhất cho tâm hồn tôi. Nếu tâm tôi được ví như con ong thì có lẽ nó thường bay vo ve quanh một khu vườn hạnh nguyện Bồ tát và chưa bao giờ rời xa khu vườn ấy. Dù còn là một đứa trẻ, tôi đã quyết theo hạnh nguyện của một vị Bồ tát trong cuộc đời này. Bồ đề tâm : tình yêu thương và lòng từ bi đã trở thành mục đích sống của đời tôi và cũng là người bạn đồng hành thực sự cùng tôi trên mọi nẻo đường.
Tôi thường có ý muốn dấn thân vào bất kỳ hoạt động nào giúp tôi tăng trưởng được hạnh nguyện Bồ tát và có ý tránh mọi hoạt động khiến tổn hại đến hạnh nguyện đó. Tôi là một trong số 7 tỉ người đang sống trên thế giới hiện nay. Tôi không phải một người quyền lực, cũng không phải một doanh nhân. Tôi không có thèm muốn hay tâm ý nào khác ngoài ước muốn đi theo những hạnh nguyện của một vị Bồ tát. Mối bận tâm của tôi tới hạnh Bồ tát không phải do Thần thánh đem tới, tôi không mua hay giành giật bằng sức mạnh. Điều đó xuất phát từ động cơ chân thật thuần túy trong tâm; đó là kết quả từ việc tích lũy công đức và lời cầu nguyện của tôi. Bởi vậy chắc tôi phải là người có động lực thiện lành từ rất nhiều kiếp trước rồi.
Động lực tốt đẹp được nuôi dưỡng trong nhiều đời nhiều kiếp này đã trở thành vũ khí bảo vệ tôi, và qua đó tôi nhận ra rằng hẳn là mình phải hoàn tất một điều gì đó hết sức đặc biệt trong những kiếp sống ấy. Điều này không chỉ đem đến lợi lạc cho cá nhân tôi; đó là một lời chỉ dạy đem tới lợi lạc cho tôi và cả những người khác, chẳng thế mà tôi vẫn tiếp tục mang thông điệp về sức mạnh của động cơ thiện lành đến với tất thảy mọi người.
Động cơ thiện lành đó chính là tình thương, là lòng từ bi, là Bồ Đề tâm và nhiều phẩm chất khác. Tất cả những phẩm chất này chỉ có thể được phát triển nhờ nỗ lực và công phu thực hành của chúng ta; chúng ta không thể hoàn tất những phẩm chất này nếu chỉ dành thời gian để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân mình.
Chính bởi động cơ thanh tịnh là điều cần thiết để phát triển hạnh nguyện Bồ Tát, nên tôi nhận thấy bất kỳ gian khó nào xảy đến trong khi thực hành hạnh nguyện đều đáng trân trọng và cần được tiếp nhận. Tuy nhiên, vấn đề lớn chúng ta gặp phải, sai lầm chúng ta thường mắc là để mặc bị lôi bởi tám ngọn gió chướng thế gian trong quá trình thực hành Pháp. Đây không chỉ là một sai lầm mà những người thực hành Pháp tham gia việc đời thường gặp; có không ít các vị trụ trì tu viện có nhiều học trò, và nhiều vị thầy thuộc hàng cao cấp có tiếng cũng mắc phải sai lầm này. Họ nói, “Đây là truyền thống của tôi, đây là tu viện của tôi, đây là học trò của tôi,” bởi bị dính vào sự bám chấp ăn sâu trong tâm trí họ. Đặc biệt, họ còn nói, “Đây là đám học trò của tôi,” và giữ chặt lấy đám học trò ấy bằng đủ mọi cách, chẳng hạn như quát mắng hay dọa dẫm. Mong được người khác kính trọng, họ quay ra tự ca ngợi mình, phê phán người này người kia và làm nhiều điều khác. Ai đã thoát khỏi tám ngọn gió thế gian và họ ở đâu ? Thật sự tôi phải hết sức thận trọng bởi tôi cũng rất sợ chính mình sẽ trở thành như vậy.
Gánh vác trách nhiệm
Sau khi Lama Sang qua đời, tôi đã có nhiều buổi họp mặt với các đệ tử thân cận của Người và cùng thảo luận với họ về việc sẽ có lợi ích gì nếu chúng tôi tiếp tục gìn giữ tu viện và sẽ gặp tổn hại gì nếu không làm điều đó. Chúng tôi cùng thống nhất là phải tiếp tục gìn giữ tu viện vì có như vậy tấm lòng của Lama Sang mới mãi mãi hiển hiện. Cộng đồng Tăng đoàn đông đảo này sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp tục suy ngẫm và tiếp tục thiền định ; sẽ truyền bá giáo Pháp của Đức Phật; tất cả những ai có sự kết nối qua niềm tin với tu viện sẽ được nhận lãnh giáo Pháp; và sẽ có những lợi lạc vô tận dành cho các bạn thực hành Pháp và nhiều điều hơn thế.
Đối mặt với khó khăn
Ba năm sau khi Lama Sang từ giã thế giới này, cộng đồng tu sĩ tiếp tục lớn mạnh. Tuy nhiên, khu nhà ở của các tu sĩ dần xuống cấp và gần như đổ nát. Và ở trên một độ cao luôn có những trận gió rất hung hãn có khả năng làm bật tung cả đất đá như vậy thì kể chi đến cơ thể con người. Do vậy, vì cộng đồng tu sĩ đang tăng cường thực hành giáo Pháp, nên không còn lựa chọn nào khác là phải xây dựng khu nhà mới cho chư tăng.
Chi phí xây dựng ngày một đắt đỏ, nhất là ở Trung Quốc, nên cũng cần nhiều tiền hơn; thời buổi nó vậy. Các tu viện Phật giáo rõ ràng phải có một truyền thống nghiên cứu Kinh sách và thực hành, có nghĩa là học giáo lý và thực hành, bởi đó là những điều cốt lõi của một tu viện. Thiếu nghiên cứu giáo Pháp và thực hành thì cho dù tu viện đó có xây một bảo tháp bằng vàng ròng cao sáu trăm thước thì cũng chỉ là bề ngoài rỗng tuếch.
ChÖrig Lobling: Ngôi trường Pháp của Tu viện
Học trò ở trường Pháp ChÖrig Lobling của tu viện tất thảy đều là những vị tăng hết sức thuần tịnh được ví như vàng; đó là những vị học giả lắng nghe và chiêm nghiệm giáo Pháp với thái độ hết sức chuyên cần; và đó cũng là những vị tăng cả đời công phu tu hành luôn bằng lòng với những gì mình có và đoạn diệt mọi thèm muốn. Chương trình được đưa vào giảng dạy trong trường thuộc chất lượng cao nhất và mỗi năm lại có thêm nhiều học trò từ Amdo, miền Trung Tây Tạng và tỉnh Kham tới tu học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất cũng như điều kiện ăn ở của học viên trong trường còn rất nghèo nàn. Tu viện có một trung tâm nhập thất dành cho thực hành Pháp Vajrakila, hàng năm mỗi người tham gia nhập nhất đều phải tụng một triệu biến thần chú Kim Cang Tát Đỏa và một triệu biến Thần chú Vajrakila. Chúng tôi là những người nắm giữ quan trọng giáo lý của dòng truyền thừa Đại Viên mãn, nên trong tương lai tôi hy vọng sẽ thiết lập được một trung tâm nhập thất chất lượng cao dành cho các khóa thực thành pháp Đại Viên mãn.
Thời xưa ở Golog không có ni viện, và phụ nữ xuất gia thường bị mọi người khinh rẻ. Theo quan điểm của mình, tôi không hiểu vì lẽ gì mà phụ nữ nói chung và sư ni nói riêng lại phải chịu sự coi thường ấy. Bởi thế tôi đã cho thành lập một ni viện đầu tiên ở Golog. Đó là một ni viện hết sức nghiêm trì giới luật; các ni cô ở đây vô cùng khiêm nhường; và họ giữ giới nguyện của họ như gìn giữ con ngươi của mắt mình vậy. Nhờ ni viện được thành lập mà họ sẽ mãi có cơ hội để tu học giáo Pháp và những ngành kiến thức khác.
Chúng tôi có những kế hoạch đặc biệt nhằm gìn giữ khu vực riêng đầu tiên của Lama Sang trong tu viện, đây là khu vực dành cho việc thực hành các bộ Mật điển (Terma) do chính Lama Sang khám phá, cử hành các lễ Pujas và khóa lễ Drupchen hàng năm theo đúng chỉ dạy của Người. Chúng tôi cũng đã tìm thầy dạy cho các hành giả du già Yogi và tạo điều kiện cho họ được học giáo Pháp và những ngành kiến thức khác.
Ngôi trường mang tên Hungkar Dorje
Vì hồi nhỏ không được tới trường nên đến giờ tôi vẫn thấy thiếu vắng điều gì đó; có lẽ tôi chỉ cảm thấy trọn vẹn khi mình có thể đem tới cho các bạn trẻ cơ hội học hành. Với mục đích đem đến cho các bạn trẻ một tương lai tươi sáng hơn, tôi đã bỏ công sức nhiều năm để lập nên một ngôi trường nơi các em học sinh được học ngôn ngữ, học viết, và học nghề. Những người thầy cô ở trường dạy dỗ các em với động cơ hết sức trong sáng và tinh thần làm việc miệt mài, đem đến cho các em một chất lượng giáo dục cao với những kết quả xuất sắc và dần dần ngôi trường đã được khắp vùng Tây Tạng nhìn nhận như một tấm gương đáng khen ngợi của một ngôi trường kiểu mới.
Trên cái xứ cao nguyên gió lạnh và tuyết phủ quê hương tôi, công việc xây dựng là cực kỳ khó khăn. Và đặc biệt cũng rất vất vả để giữ cho những khu nhà đã cất được trụ vững. Vào giữa mùa đông, trời lạnh buốt như dao cắt; vào thời điểm này có thể thấy mặt đất nứt nẻ và đá chẻ toang hoác cũng bởi vì giá lạnh. Dẫu vậy, ở nơi ấy lại có những thắng cảnh hết sức hùng vĩ, đó là một trong Bảo tháp lớn nhất châu Á – Bảo tháp Kanjong Charung Khashor (Bảo tháp Bodhanth của Xứ Tuyết). Để duy trì cho những công trình này tồn tại lâu dài với thời gian đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Niềm tin bất thối chuyển
Giá rét, băng tuyết và những cơn gió lạnh buốt luôn là mối đe dọa và có thể làm suy chuyển mọi thứ. Song, với một tâm thế dũng mãnh và niềm tin bất thối chuyển vững như chùy kim cương đặt nơi giáo Pháp, tất cả người dân nơi đây không hề e sợ trước giá lạnh. Thật khó để hiểu thấu sự dâng hiến cho giáo Pháp của họ vĩ đại và bao la tới nhường nào. Mặt đất lổn nhổn đầy băng đá và tuyết, cùng những cơn gió hung hãn buốt thấu xương kéo theo những trận bão tuyết. Vậy mà họ vẫn thanh thản ngồi giữa trời để lắng nghe giáo Pháp. Cái lạnh như cắt luồn vào tận thịt da khiến người họ đông cứng vì lạnh. Cuối cùng các khớp xương trong người đau nhức, cơ thể họ sụp xuống cùng tay chân co quắp. Và đến cuối ngày, họ không thể đi vững được nữa. Dẫu vậy, họ không bao giờ ngã lòng trước những nỗi gian khó ấy và hôm sau họ lại tiếp tục đến và ngồi giữa trời lắng nghe giáo Pháp. Đây có lẽ là một nét đặc thù của người dân Tây Tạng nói chung và người dân vùng Golog nói riêng.
Lòng từ bi
Theo truyền thống, vị thầy được ngồi trên một pháp tòa trong một tòa nhà đẹp đẽ được trang hoàng đầy hoa và sắc màu rực rỡ. Trong khi tôi có đầy đủ tiện nghi cần thiết và chỗ ngồi thoải mái như vậy, thì ngoài kia cả đám đông hàng ngàn người tới nghe tôi giảng Pháp đang phải chịu đựng giá buốt để rồi ngã bệnh ốm. Làm sao có thể làm ngơ trước cảnh tượng ấy ? Tôi đã gắng mọi cách để tìm ra một giải pháp và hiện tôi đang cho xây dựng một phòng giảng Pháp đủ rộng để có thể chứa hàng ngàn người tới nghe Pháp vào mùa đông.
Cả thế giới đều biết rằng Tây Tạng là vùng đất còn rất nghèo nàn. Và Golog cũng vậy, đời sống người dân nơi đây rất vất vả. Đặc biệt có các cụ già đặt niềm tin nơi giáo Pháp đã đến sống ở khu vực quanh tu viện để mong được lắng nghe giảng Pháp, họ đi nhiễu quanh, không bận tâm nhiều tới việc làm thế nào để nuôi thân. Có hàng trăm người già sống ở khu vực ngoài tu viện, họ đã dâng hiến trọn vẹn cho việc thực hành Pháp chỉ với một chút ít quần áo và thực phẩm.
Các học trò và người thực hành Pháp đến tu viện không chỉ từ vùng lân cận mà từ khắp nơi trên đất Tây Tạng. Đây là một trung tâm thực hành Pháp thu hút rất nhiều chư tăng, ni, người già, cũng như cư sĩ không có khả năng tự nuôi thân. Khi chứng kiến cảnh họ chịu đói khát và rét mướt như vậy, thử hỏi ai có thể thờ ơ với họ ? Ai có thể không thương xót khi nhìn họ như vậy ? Bởi thế mà năm nào tôi cũng cung cấp thực phẩm và quần áo cho họ.
Hồi Lama Sang còn trẻ, đời sống trong vùng hết sức khó khăn. Khi mẹ Ngài ngã bệnh, gia đình không có đủ điều kiện để lo thuốc men nên bà đã qua đời. Vì lẽ đó mà Lama Sang đã nguyện giúp đỡ người dân bằng cách cung cấp thuốc cho họ. Ngài đã có một hứa nguyện là sẽ phân phát thuốc cho dân chúng bất kỳ lúc nào Ngài có thể và mỗi năm Ngài phân phát rất nhiều loại thuốc cổ truyền của Tây Tạng cho hàng ngàn người có nhu cầu. Noi theo tấm gương động cơ trong sáng và công hạnh của Ngài, hàng năm tôi tiếp tục việc làm đầy lợi lạc đi phát thuốc cho dân chúng.
Khóa Nhập thất Mùa đông
Tu viện chúng tôi có truyền thống độc đáo là ban dạy giáo Pháp cho toàn bộ giới cư sĩ trong vùng. Trong nhiều năm, mỗi khi mùa đông tới, Lama Sang ban rất nhiều buổi giảng Pháp cho hết thảy dân trong vùng có niềm tin nơi Pháp. Người cũng chỉ thị cho tôi phải ban dạy giáo Pháp cho cư sĩ chu đáo như đối với tu sĩ. Trong suốt ba năm qua, kể từ sau ngày Lama Sang qua đời, tôi thường xuyên ở lại Tây Tạng đối mặt với cái lạnh khủng khiếp của mùa đông trong vòng 3 tháng hoặc 100 ngày để giảng dạy chi tiết các bản văn kinh điển như Lời Vàng của Thầy tôi, Lời chỉ dạy về 6 Bardo, Nhập Bồ Tát hạnh. Việc này đã thỏa mãn những mong ước từ sâu thẳm trái tim của hàng ngàn người dân và là một cách thức thanh tịnh làm lợi lạc cho nhiều người khác. Tương tự như vậy, tôi đã tới nhiều nơi để giảng Pháp cũng với động cơ thiện lành ấy.
Gìn giữ Truyền thống Trí huệ lâu đời
Tây Tạng vốn có một bề dày lịch sử và nền văn hóa giàu có có thể đem lại lợi ích cho toàn thế giới. Trách nhiệm của mỗi thế hệ kế thừa là phải giữ gìn bảo tồn truyền thống trí huệ cổ xưa này. Chúng tôi cùng hợp sức thống nhất về động cơ cũng như hành động trong việc gìn giữ và truyền bá nhiệt thành nền văn hóa của chúng tôi. Vì lẽ đó, tôi đã thành lập ra Quỹ Gesar Shenpen, Trung tâm Nghiên cứu Mayul, và Trường Giáo dục Truyền thống và Hiện đại Tây Tạng.
Nói chơi thì có thể rất ấn tượng, song để thực sự hoàn tất một công việc nào đó thì có thể nói ngắn gọn là phải có đủ tiền bạc, có vậy mới duy trì được những dự án tôi vừa nêu trên. Tôi không phải người được thừa hưởng của cải từ ông bà cha mẹ để lại. Tôi không phải một doanh nhân có thể tăng một khoản đầu tư lên hàng chục hay hàng trăm lần. Tôi không phải nhà buôn chính trị, dùng Pháp lừa dối người dân để thực hiện việc đời. Tôi cũng không phải người sử dụng địa vị và quyền lực để kiếm chác tiền bạc. Tôi chỉ tựa như một người mà cơn biển động sóng nhồi quăng dạt vào bờ, trơ trọi. Tôi như người hành khất không màng tới kinh doanh. Chính là căn nghiệp của mình mà tôi là một kẻ đi xin bố thí, xuất thân từ một gia đình bị áp bức.
Đôi lời về bản thân
Tiền tôi có được không phải của cha mẹ để lại. Tôi không lừa gạt ai để có được chúng; những gì tôi có đều là do bạn bè hảo tâm tặng cho. Tôi biết thu nhập họ kiếm được là những giọt mồ hôi lao động cực nhọc với bao lo lắng, bao trăn trở và bao gánh nặng. Liệu ai có thể thờ ơ với những thứ họ kiếm được bằng nỗi vất vả ấy ? Tôi thực vô cùng cảm động khi nghĩ tới những vất vả về thể xác và tinh thần mà họ phải trải qua để có được số thu nhập ấy. Tôi không phải người đoạn diệt ham muốn, không phải người thờ ơ với của cải và giàu sang. Tôi giống một người hành khất đi xin bố thí và cảm thấy hạnh phúc với bất cứ món gì nhận được. Tôi không phải kẻ keo kiệt luôn khổ sở khi phải dùng bất cứ thứ gì có được. Tôi không phải kẻ ích kỷ chỉ biết dùng mọi thứ thu được cho riêng mình. Với tất cả những gì được nhận tôi phải có trách nhiệm dùng để cúng dường và làm từ thiện. Tôi nói ra điều này không nhằm gây ấn tượng cho ai khác hay để tự khoe khoang mình; tôi vốn là người chân thực và luôn nói sự thật về bản thân mình.
Trọng trách của tôi
Hiện ở tu viện có hơn 700 tăng, ni và hành giả du già (Yogis); có 300 em học sinh theo học ở trường nghề; và hơn 300 người cao tuổi cần hỗ trợ chăm sóc. Tôi phải chăm lo tất cả mọi người cả về tinh thần lẫn vật chất. Mỗi năm số lượng tăng ni đến tu viện tu học ngày một đông; đặc biệt lượng học sinh tới trường nghề cũng tăng dần. Bên cạnh đó số cư si kết nối với tu viện bởi niềm tin cũng ngày một nhiều. Cá nhân tôi phải lo việc tổ chức, giáo dục, và chu cấp cho tu viện và những người có gắn kết với tu viện.
Nếu đồ cúng dường do những người tín tâm dâng cúng bị lãng phí hay đem ra sử dụng bởi bất kỳ cá nhân nào thì sẽ tạo ác nghiệp rất nặng, điều này đã được chỉ dạy trong Kinh Bách Dụ và nhiều Kinh điển khác.Vì lẽ đó, quan tâm hàng đầu của tôi là phải làm sao để một khoản cúng dường được sử dụng đúng cách và không bị thất thoát hay lãng phí. Tôi xin tha thiết nói rằng bất kỳ ai trong số các bạn phát tâm cúng dường giúp đỡ tăng đoàn của tu viện thì trước hết nên cho tôi được biết. Các bạn đặt niềm tin nơi tôi, hết sức tốt bụng với tôi, đã cúng dường và tặng cho tôi nhiều thứ, hết thảy đều là những người có trái tim và tấm lòng tử tế. Tôi tin chắc rằng những người dân nghèo ở quê hương tôi đều biết đến tấm lòng đó của các bạn, đều hiểu giá trị món quà các bạn đã ban tặng, đều được nhìn thấy nó, đã nhận nó và được hưởng lợi từ đó.
Ở đây, giữa những cơn gió lạnh và tuyết phủ miền cao nguyên thì hơi ấm đầu tiên mà thân tâm chúng tôi nhận được là từ cha mẹ mình. Tấm lòng của các bạn cũng là một làn hơi ấm tựa như vậy mà chúng tôi sẽ giữ mãi trong trái tim mình.
Những gương mặt tươi tắn và trái tim nhân hậu của các bạn sẽ luôn hiển hiện trong mỗi ý nghĩ nơi tâm trong sáng của chúng tôi./.
Ngày 10 tháng 11 năm 2012
(Rinpoche đã viết lời tự sự này trong lúc đợi các anh chị phiên dịch chuyển ngữ tại khóa giảng về Thiền định và Thần chú Kim Cang Tát Đỏa tại San Jose (chú thích của quản trị mạng)
Dịch Việt ngữ : Thi Hoa
Hiệu đính bản dịch : Văn Hiển
___________________________
nguồn: http://www.hungkardorje.org/publish/index.php
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét